Những bàn tay thô ráp nơi tuyến đầu chống dịch
“Dần dần cũng quen, anh em cứ động viên nhau để thực hiện nhiệm vụ cho tốt”, đó là tâm sự của kỹ sư Nguyễn Đức Tiến (1982) - người trực tiếp “chỉ huy” đội ngũ thi công lắp đặt hệ thống thang máy tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam.
Họ vẫn đến công trường…
Những ngày đầu tháng tám nắng như đổ lửa, cả nước đang oằn mình chống dịch. Trong đó Hà Nội cũng đang thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ, mọi người đều ở nhà nhằm giữ an toàn cho bản thân, gia đình và cả xã hội. Tuy nhiên, do nằm trong nhóm ngành nghề thiết yếu nên anh Nguyễn Đức Tiến và các đồng nghiệp vẫn được phép đi làm, vẫn thực hiện các công tác lắp đặt, bảo trì thang máy tại các công trình cần thiết.
“Có rất nhiều khu chung cư trong thời gian qua trở thành “ổ dịch” tại thành phố, mà ở những nơi đó thì thang máy là một thiết bị thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống của mọi người. Vì thế việc bảo hành, bảo trì vẫn cần thực hiện thường xuyên để đảm bảo không xảy ra sự cố”, anh Tiến cho biết.
Xác định đặc thù công việc là vậy nhưng nhiệm vụ lần này của nhóm anh Tiến lại có phần đặc biệt hơn cả. Có mặt ở tâm dịch, phối hợp thực hiện với các bên thi công để hoàn thiện Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 sẵn sàng trở thành bệnh viện dã chiến. Áp lực thời gian là phải hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian chỉ bằng 1/3 so với bình thường mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Các kỹ thuật viên cùng nhau thao tác lắp đặt hệ thống 40 chiếc thang máy tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2
Từ khi lên kế hoạch cho đến việc hoàn thiện, căn chỉnh tại công trường đều diễn ra hết sức khẩn trương. “Chúng tôi không được sinh ra trong thời chiến nhưng tạm hiểu nó cũng giống trong thời chiến vậy, mọi thứ phải rất nhanh gọn và có tinh thần sẵn sàng trong mọi tình huống để hoàn thành đúng nhiệm vụ được giao và theo đúng kế hoạch”, anh Tiến bộc bạch.
… với chung một mục tiêu
“Lúc đầu gia đình cũng lo lắng chứ, nhưng anh em động viên nhau rồi làm công tác tư tưởng cho gia đình, mọi người cũng yên tâm dần”, vậy là họ lên đường.
Sáng sớm, mỗi người đều khoác lên mình những bộ quần áo bảo hộ, những đôi găng tay dày dặn, xù xì, giày bảo hộ, mũ bảo hộ, càng không được quên chiếc khẩu trang. Thời tiết nóng nực nên cả nhóm thường lựa chọn làm việc từ sớm để tránh cái nóng. Ngoài giờ làm việc, suốt khoảng thời gian làm việc tại đây mọi sinh hoạt của anh em cũng đều thực hiện tập trung tuân theo đúng quy định 5K của Bộ Y tế.
“Thời gian đầu rất khó chịu vì cơ bản là công việc của chúng tôi không phải ở trong điều kiện lý tưởng, ví dụ như điều hòa mát mẻ. Trong khi đó công việc cần đi lại nhiều, lại hoạt động trong thời tiết mùa hè oi nóng”, anh Tiến nhớ lại.
Vì quá nóng bức, có khi khẩu trang ướt sũng mồ hôi, có khi khó thở quá anh em cũng tranh thủ kéo khẩu trang xuống một chốc lát ở những góc làm việc một mình, nhưng rồi lại nhanh chóng đeo lại để đảm bảo quy định phòng chống dịch.
Có khi quá bí bách, khó thở, anh em tranh thủ bỏ khẩu trang trong chốc lát ở những góc làm việc một mình, rồi cũng nhanh chóng đeo lại để đảm bảo quy định phòng chống dịch.
Dẫu vậy, môi trường càng khắc nghiệt thì tâm lý anh em càng cần vững chắc. Mọi người đều cùng hướng về một mục tiêu. Từ người quản lý đến nhân viên thực hiện đều làm việc đồng nhất, cả đoàn thường xuyên chia sẻ với nhau, động viên tinh thần để dần thích nghi và vượt qua điều kiện khó khăn.
Mỗi người góp một đôi tay
“Chúng tôi hiểu thời gian trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh này là vô cùng quan trọng. Chính vì thế trong thời gian chỉ khoảng 20 ngày thi công thì anh em đều luôn cố gắng làm việc với hiệu suất cao nhất có thể, đi cùng đó là đảm bảo về chất lượng cũng như an toàn lao động.”
“Chúng tôi nghĩ là tự mình động viên mình, tự mình có những suy nghĩ tích cực thì mình sẽ có những hành động nhanh gọn và dứt khoát hơn”, nụ cười chân thật của anh Tiến hằn sâu trên làn da dãi dầu nắng gió công trường.
Tình hình dịch bệnh căng thẳng trên cả nước, hành động của mỗi người dân từ việc “ở yên một chỗ” hay hoàn thành nhiệm vụ của mình như những y bác sĩ, bộ đội,… đều là đang góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Anh Tiến hay bất kì người kỹ thuật viên lắp đặt thang máy nào tham gia thi công tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đều đang góp đôi tay cùng sức lực của mình để hướng đến mục tiêu chung là dịch bệnh sớm bị đẩy lùi, xã hội trở lại nhịp sống bình thường.
Việc thực hiện đảm bảo cả về chất lượng và tiến độ của những kỹ sư, công nhân thang máy như nhóm của anh Tiến tại nơi tuyến đầu chống dịch nguy hiểm đã thể hiện trách nhiệm cá nhân đối với công việc của mình, đã và đang góp phần vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 của toàn đất nước.